Hành vi có thể bị cảnh sát cho rằng gây rối trật tự công cộng bao gồm: cố tình làm tắc đường, hoạt động có tổ chức nhằm gây ách tắc giao thông…
Những tháng qua, liên tiếp xảy ra việc người dân ập trung dùng tiền lẻ mua vé lượt để phản ứng việc thu phí của một số trạm BOT đặt tại một số tỉnh.
Đầu tháng 8, vụ việc nóng lên khi nhiều tài xế đồng loạt phản đối việc đặt trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang). Họ dùng tiền mệnh giá 200, 500 và 1.000 đồng để mua vé lượt, thậm chí còn bỏ vào chai nhựa, bịch nylon.
Đúng một tháng sau, việc này tái diễn tại miền Bắc khi nhiều tài xế dùng tiền lẻ mua vé lượt qua trạm BOT số 1 quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) nhằm phản đối thu phí.
Liên quan đến vụ việc ở Tiền Giang, ông Nguyễn Phú Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, chủ đầu tư) gửi đơn cầu cứu công an, cho rằng các tài xế cố tình gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, chính quyền không đánh giá như vậy. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tiền Giang, Sở Giao thông vận tải Tiền Giang đều cho rằng hành vi đưa tiền lẻ hoặc nhét tiền trong chai, bịch nylon là không vi phạm pháp luật, chưa có quy định cụ thể nào xử lý hành vi này.
Đối lập Tiền Giang, Công an tỉnh Hưng Yên ngay lập tức vào cuộc. Đơn vị giao một tổ công tác thu thập tài liệu, làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng tại trạm thu phí BOT số 1 quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh này. Ngày 8/9, Công an tỉnh Hưng Yên đã triệu tập một số tài xế và doanh nghiệp liên quan.
“Mục đích là làm rõ việc gây ùn tắc, gây rối ở trạm thu phí, xem có tình trạng xúi giục, kích động tài xế hay không. Từ các chứng cứ, lời khai, cơ quan điều tra sẽ cân nhắc có khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng hay không”, người đứng đầu Công an Hưng Yên nói.
Đánh giá hai địa phương với cách xử lý khác nhau, một luật sư của Đoàn luật sư Hà Nội cho biết chưa có quy định cụ thể nào về việc cấm dùng tiền lẻ qua trạm thu phí. Tuy nhiên, nếu hành động trả tiền lẻ của tài xế bị cơ quan điều tra xác định nhằm mục đích gây ách tắc giao thông thì họ có thể bị xử lý về lỗi “gây rối trật tự công cộng”.
Những hành vi có thể bị cảnh sát kết tội gây rối bao gồm: cố tình làm tắc đường, hoạt động có tổ chức nhằm gây ách tắc giao thông, tập trung cổ vũ, hô hào quanh trạm BOT gây mất trật tự, an toàn giao thông…
Theo luật sư, người nào gây cản trở, làm ách tắc giao thông từ hai tiếng đồng hồ sẽ bị coi là gây hậu quả nghiêm trọng. Theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự, mức phạt cho hành vi này 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ở mức độ, hậu quả gây ra nhẹ hơn, tài xế có thể bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
“Điều qua trọng là việc xử lý phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan công an”, luật sư nói và cho rằng trên thực tế nếu tài xế chỉ dùng tiền lẻ mua vé làm mất thời gian kiểm đếm nhưng không tập trung gây ùn tắc giao thông thì khó có thể xử lý.
Phạm Dự – Vnexpress