Vì sao ADN là trợ thủ đắc lực trong giám định dấu vết tội phạm?

So với phương pháp lấy lời khai, dấu vân tay…, xét nghiệm ADN thể hiện sự khách quan và chính xác vượt trội.

ADN chứa đựng các thông tin mã hóa hoàn chỉnh của một sự sống. ADN tồn tại trong tất cả các tế bào của con người, động vật và thực vật và cấu trúc của nó không hề thay đổi trong suốt quá trình tồn tại.

Bằng cách phân tích và kiểm tra ADN, các nhà khoa học có thể đưa ra một hồ sơ đầy đủ về cá nhân nào đó. Các nghiên cứu cũng chứng minh, phương pháp giám định ADN có mức độ chính xác lên đến 95%.

Sự phát triển của phương pháp giám định ADN

Khoảng giữa những năm 1980, tiến sỹ Alec Jeffreys – nhà di truyền học người Anh trong lúc nguyên cứu đề tài bệnh di truyền ở các gia đình – đã phát hiện ra sự lặp đi lặp lại của một đoạn cấu trúc ADN.

Với các nghiên cứu sâu hơn, ông cũng chứng minh được rằng các đoạn ADN mang tính đặc trưng cho từng cá thể và có thể dùng ADN để xác định danh tính một con người.

Criminal cho hay kỹ thuật giám định ADN của tiến sỹ Jeffreys đã được áp dụng lần đầu trong quá trình giám định pháp y vụ giết người xảy ra năm 1983. Nạn nhân Lynda Mann, 15 tuổi, được tìm thấy trong tình trạng bị tấn công tình dục và giết hại dã man ở làng Narborough, Leicestershire, phía đông Birmingham (Anh). ADN có trong tinh dịch lưu lại trên cơ thể nạn nhân đã được thu thập để nghiên cứu. Bằng phương pháp RLFP (restriction fragment length polymorphism), tiến sỹ Jeffreys đã thực hiện so sánh với mẫu ADN của kẻ tình nghi, Richarf Buckland, 14 tuổi. Tuy nhiên, kết quả không khớp, Richard Buckland được chứng minh vô tội.

Một cuộc điều tra trên hơn 4.500 người đàn ông sống tại ba thị trấn lân cận đã được tiến hành. Tất cả các mẫu ADN được thu về để so sánh. Duy nhất có một người thợ làm bánh địa phương, Colin Pithfork, đã thực hiện hành vi che giấu mẫu máu của mình.

Hắn trả tiền để lấy máu của người bạn tên Ian Kelly để làm giả thành mẫu máu của bản thân. Hành vi bị bại lộ khi Kelly vô tình tiết lộ sự thật cho một người dân địa phương. Lệnh truy bắt Pitchfork được ban hành. Sau khi có được mẫu ADN thực sự của Pitchfork, tiến sỹ Jeffreys đã so sánh với mẫu ADN có trong tinh dịch nạn nhân, kết quả hoàn toàn trùng khớp.

Pitchfork buộc phải thừa nhận tội hiếp dâm và giết người, chịu án 30 năm tù. Năm 1987, Pitchfork thành tên tội phạm đầu tiên trên thế giới bị nhận dạng và bắt thành công thông qua giám định ADN.

Phương pháp RLFP của tiến sỹ Jeffreys thực sự mang lại ý nghĩa to lớn cho ngành giám định pháp y và điều tra tội phạm. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là cần lượng lớn ADN thu thập trên cơ thể nạn nhân để có thể thực hiện so sánh với tất cả các mẫu ADN khác.

Ngày nay, các nhà giám định pháp y đang áp dụng phương pháp PCR (polymerase chain reaction), cho phép thử nghiệm với một lượng rất nhỏ ADN.

ADN được lấy và sử dụng như thế nào?

ADN có trong mọi tế bào của cơ thể sống, vì vậy mẫu ADN có thể thu thập được từ dấu vân tay, tóc, tinh dịch, nước bọt, móng tay, máu hoặc da chết của hung thủ lưu lại tại hiện trường vụ án. Đồng thời, cảnh sát có thể yêu cầu các nghi phạm cung cấp mẫu ADN để so sánh.

Bên cạnh đó, tại nhiều nước trên thế giới đều có cho riêng mình một hệ thống kho dữ liệu ADN mà các nhà điều tra có thể sử dụng. Mẫu ADN thu được ở hiện trường sẽ được quét trên hệ thống này để tìm ra thủ phạm.

Độ chính xác của giám định ADN

Bằng chứng ADN cho thấy sự liên quan giữa cá nhân và tên tội phạm, đặc biệt là khi ADN được tìm thấy trên hung khí. Tuy nhiên, phải kết hợp với lời khai và các điều tra khác, cảnh sát mới có thể thực sự buộc tội kẻ tình nghi.

Nếu các điều tra viên thu thập và xử lý đúng quy định các mẫu bằng chứng sinh học chứa ADN tại hiện trường thì phương pháp này sẽ cho kết quả phân tích chính xác đến gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, ADN liệu có giống nhau giữa một cặp song sinh không vẫn là một câu hỏi đang chứa đựng nhiều tranh cãi.

Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý mẫu ADN có thể gặp sai sót. Các yếu tố gây ảnh hưởng đến kết quả phân tích ADN có thể do: điều kiện phòng thí nghiệm hạn chế, điều tra viên thiếu đạo đức cố tình phá hoại mẫu ADN… Vì vậy, tòa án có thể bác bỏ bằng chứng ADN.

Tuy nhiên, so với phương pháp lấy lời khai, dấu vân tay…, xét nghiệm ADN thể hiện sự khách quan và chính xác vượt trội. Các nhà điều tra ngày càng phụ thuộc vào ADN.

Giám định ADN chỉ mới được phát triển được gần 70 năm nên trong nhiều vụ án đến nay mới có thể xác định được tội phạm chính xác và trả lại trong sạch cho những người bị tình nghi.

Phương Thảo – Vnexpress

Bình luận

Call Now Button